Giá trị gia đình được tôn vinh qua lễ cưới của người Gia Rai

Người Gia Rai, một trong những dân tộc thiểu số ở Việt Nam, có những phong tục và nghi lễ đặc trưng khi tổ chức lễ cưới, phản ánh sâu sắc văn hóa và giá trị gia đình. Người Gia Rai ở tỉnh Gia Lai theo chế độ mẫu hệ. Khi đến tuổi trưởng thành, người con gái sẽ chủ động “bắt chồng” và tự chuẩn bị các lễ vật cho đám cưới. Các nghi lễ, nghi thức có những quy ước chặt chẽ, quan trọng, đề cao vai trò của người phụ nữ Gia Rai, thể hiện nét văn hóa đặc sắc được giữ gìn cho đến ngày nay.

Để chuẩn bị đám cưới, nhà gái chủ động chuẩn bị rượu cần, đồ lễ, đồ ăn đón đoàn nhà trai. Vào ngày tốt lành, ông mối dẫn đoàn nhà trai qua nhà gái làm lễ thành hôn.

Người con gái Gia Rai khi đến tuổi trưởng thường nhắm cho mình một chàng trai để yêu thương. Thông qua ông mối, cô gái sẽ gửi chàng trai một chiếc vòng tay thay lời tỏ tình. Khi nhận được vòng, nếu không ưng thuận, chàng trai gửi lại vòng cho ông mối. Nếu cô gái tiếp tục đeo đuổi, việc trao vòng có thể diễn ra hai, ba lần đến khi không còn hy vọng nữa mới thôi. Còn nếu ưng thuận, người con trai sẽ nhận vòng cầu hôn và ông mối quay về báo lại kết quả với gia đình nhà gái. Sau đó, hai gia đình sẽ gặp nhau, chọn ngày cưới cho đôi bạn trẻ. Trước ngày làm đám cưới, họ thông báo cho họ hàng hai bên biết đến dự và đóng góp gà, heo, rượu, tiền hay những vật dụng khác tùy theo điều kiện của gia chủ.

Nhà Rông, nơi diễn ra lễ cưới của người Gia Rai

Đám cưới được tổ chức bên nhà rông – không gian sinh hoạt cộng đồng lớn nhất mỗi làng dân tộc Gia Rai.Trong lễ cưới, người chủ lễ thực hiện nghi thức cúng trời đất, thần núi, thần rừng, thần nước, thần ruộng và cuối cùng là cúng nhà rông. Với lễ vật là 1 ghè rượu, 1 con gà, 3 nắm cơm, 2 chiếc còng bằng đồng, 3 ống tre để đón rượu, chủ lễ gọi nữ thần mặt trời, gọi mẹ đất về chứng giám cho đôi nam nữ và 2 dòng họ: “Cầu cho cô dâu, chú rể có nhiều sức khỏe và sinh sống với nhau hiền hòa như nước.

Cô dâu chú rễ trong lễ cưới của người Gia Rai

Trong ngày hôm nay, 2 người đã thành vợ, thành chồng. Nhờ các vị thần núi, thần rừng, thần nước, thần ruộng giúp đỡ 2 vợ chồng; khi đi làm ruộng, làm nương làm rẫy, khi đi xúc cá, bắt cua luôn đi cùng nhau, không xa rời nhau; chồng vác cuốc, vợ mang gùi, chồng đi trước, vợ đi sau, ai bị ngã người kia phải kéo lên. Khi đi làm phải nói chuyện, đùa giỡn với nhau vui vẻ. Hôm nay, 2 vợ chồng đã ăn cơm một nhà, ngủ chung một giường để đẻ con nhiều như hạt đu đủ, nhiều như con kiến, con mối”. Nghi thức cuối cùng trong lễ cưới là lúc cô dâu, chú rể trao nhau chiếc vòng tay bằng đồng. Đây được xem như tín vật, một sự cam kết của 2 người sống bên nhau trọn đời. Trong lễ cưới còn có nghi thức rửa tay với ý nghĩa rửa sạch bụi trần để cô dâu sang một trang mới trong cuộc đời.Kết thúc nghi lễ, dân làng chung vui với đôi trẻ bằng những vòng xoang trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn rã.

Nghi thức rửa tay trong lễ cưới của người Gia rai

Lễ cưới của người Gia Rai không chỉ là dịp để kết nối hai người mà còn là sự kiện tôn vinh giá trị gia đình và cộng đồng. Các nghi thức trong lễ cưới nhấn mạnh sự đoàn kết, lòng biết ơn và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với gia đình và xã hội. Lễ cưới của người Gia Rai là một minh chứng rõ ràng cho sự giàu có và đa dạng của văn hóa Việt Nam. Qua lễ cưới, giá trị gia đình và cộng đồng được khắc sâu, tạo nên một nền tảng vững chắc cho cuộc sống hạnh phúc và bền vững của mỗi cặp đôi.

Nguồn: Tổng hợp

Bài viết liên quan