Tây Nguyên là vùng (gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng), có vị trí chiến lược đặc biệt về kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh đối với cả nước và khu vực Đông Dương. Đây là khu vực nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên có tiềm năng, lợi thế, điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, trong đó đặc biệt là liên kết phát triển du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế. Khu vực này có nhiều cộng đồng các dân tộc sinh sống đan xen với người Kinh như Gia-rai, Ê đê, Xơ-đăng, Mnông, Cơ-ho, Ba na, Mạ…
Trải qua quá trình lịch sử, đến nay Tây Nguyên thực sự là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em với rất nhiều đặc trưng, sắc thái của nhiều tộc người, nhiều địa phương trong cả nước. Hiện nay, các dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên không còn cư trú theo lãnh thổ tộc người riêng biệt mà sinh sống đan xen, có sự giao lưu về văn hóa với người Kinh và các dân tộc thiểu số từ các khu vực (như miền Trung, miền Bắc…) đến sinh sống, làm ăn và lập nghiệp.
Trong quá trình chung sống cận kề, cộng đồng các dân tộc tuy thuộc nhiều nhóm ngôn ngữ khác nhau nhưng cơ bản có sự hòa hợp, gắn kết, đoàn kết, không phân biệt giữa người tại chỗ và người nơi khác đến, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, góp sức xây dựng Tây Nguyên phát triển bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tây Nguyên được xem là vùng đất có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, tiêu biểu là giá trị các di sản văn hóa của 47 dân tộc nơi đây, đặc biệt là Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại ngày 15/11/2005… Nhiều di tích lịch sử cách mạng gắn liền với truyền thống đấu tranh giữ nước của đồng bào các dân tộc, với những thắng cảnh với khí hậu trong lành, mát mẻ quanh năm và nhiều cảnh quan hấp dẫn, nhiều thác ghềnh, cánh rừng nguyên sinh với giá trị đa dạng sinh học cao,…
Đối với cộng đồng các tộc người thiểu số Tây Nguyên, ngoài sản xuất chính là làm nương rẫy và khai thác đất theo chế độ luân canh, sản xuất chủ yếu dựa vào thiên nhiên, cây lương thực chính là lúa tẻ, ngoài ra còn có ngô, khoai, sắn làm lương thực phụ và nghề chăn nuôi, nấu rượu,… còn có các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như dệt vải, rèn, mộc, làm nhà, làm thuyền độc mộc, đan lát các dụng cụ gia đình bằng mây, tre,…
Hiện nay, những nghề này đang từng bước được phục hồi để tạo việc làm, tăng thu nhập, đồng thời bảo tồn những giá trị truyền thống. Có thể nói, thổ cẩm Tây Nguyên là một trong những sản phẩm độc đáo của nền văn hóa đa dạng, phong phú của vùng đất thuộc dải Trường Sơn. Đối với đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên, từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét đẹp văn hóa cổ truyền không thể thiếu trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào. Những sản phẩm thổ cẩm được những bàn tay người thợ gửi gắm vào đó những phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghi lễ, sinh hoạt đời sống cộng đồng.
Người con gái Tây Nguyên nào khi lớn lên đều được người mẹ bày cho cách dệt vải để không chỉ dệt cho mình những bộ váy đẹp mà cho cả gia đình sau này. Họ xem đây là nghề truyền thống của gia đình, nên phải có trách nhiệm truyền lại cho con cháu. Những bộ váy đẹp nhất được dành cho những ngày lễ hội, cưới xin khi dân làng tụ họp vui vẻ trong tiếng cồng chiêng, cô gái nào có bộ váy đẹp cũng được coi là người chăm chỉ giỏi giang. Người con gái Ê đê từ thủa lên bảy, lên mười đã được bà, mẹ dạy cho cách dệt vải, đến tuổi đi “bắt” chồng phải tự tay dệt được bộ váy áo thật đẹp, thật sang để dùng vào các dịp lễ, tết, ngày hội của buôn làng.
Đối với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, thổ cẩm của mỗi dân tộc có màu sắc chủ đạo riêng. Trang phục thổ cẩm của người Mạ chủ yếu là màu trắng và đỏ, người Ê đê là màu đen và xen đỏ, chàm, vàng, xanh, người M’nông là màu đen và xanh… Để có những tấm vải thổ cẩm đẹp với những đường nét, hoa văn độc đáo là cả một quá trình lao động công phu từ trồng bông, cán bông, kéo sợi, nhuộm màu và dệt. Khung dệt của đồng bào Tây Nguyên tuy đơn giản nhưng rất đa dạng, có loại chuyên dành cho việc dệt váy, dệt chăn, lại có loại chuyên dệt những tấm vải có kích thước nhỏ hơn như: túi thổ cẩm, khăn địu, khố,… Chính vì vậy, sản phẩm của nghề dệt thổ cẩm truyền thống đồng thời cũng là sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng quốc tế hiện nay, khi sản phẩm may mặc của nền công nghiệp phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của con người tràn ngập thị trường thì nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Tây Nguyên đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Bà con đồng bào dân tộc M’nông, Ê đê… ở tỉnh Đắk Nông vốn có nghề truyền thống dệt thổ cẩm từ lâu đời, nhưng trong thời gian dài, nghề dệt thủ công mang nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc bị mai một và nhiều nơi bà con đã bỏ nghề.
Ngày nay, khi thổ cẩm trở thành hàng hóa thì nhiều Hợp tác xã dệt thổ cẩm ra đời, song các Hợp tác xã này lại đang gặp rất nhiều khó khăn, chưa tìm được lối ra. Hầu hết, các xã viên ở đây đều là những tay dệt lành nghề nhưng không thể sống nổi với khung cửi, đành phải đi làm những việc chăn nuôi, trồng trọt khác để sống. Việc duy trì, tìm hướng phát triển cho nghề dệt thổ cẩm hiện đang là vấn đề nan giải. Những sản phẩm làm ra cũng chủ yếu tiêu thụ tại chỗ hoặc ký gửi ở các hàng, khách sạn, các điểm du lịch… (chủ yếu để trưng bày, ít khi tiêu thụ được). Vì thế, chỉ một thời gian sau, nhiều chị em đành phải chia tay với nghề dệt thổ cẩm để quay về với nương rẫy.
Trước nguy cơ mai một nghề dệt thổ cẩm, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Trong kế hoạch phát triển kinh tế của nhiều địa phương thời gian qua, chính quyền cũng đã có những động thái quan tâm đến các làng nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Được sự giúp đỡ về tinh thần và vật chất của chính quyền địa phương và cơ quan văn hóa, trong vài năm gần đây, một số địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã phục hồi nghề dệt thổ cẩm, nhằm giữ gìn và phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc. Tại tỉnh Gia Lai, Phòng Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương) cũng đã mang những sản phẩm thổ cẩm trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài nước nhằm tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển ngành nghề truyền thống này vẫn còn ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.
Hiện nay, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã thành lập một số tổ hợp tác dệt thổ cẩm, trong đó có Tổ hợp tác dệt thổ cẩm xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tuy mới được thành lập vài năm trở lại đây đã góp phần giữ nghề truyền thống và tạo việc làm cho nhiều chị em ở địa phương. Đặc biệt, sản phẩm thổ cẩm của tổ hợp tác xã xuất bán ra thị trường Đà Nẵng. Tuy nhiên, muốn phát triển nghề dệt thổ cẩm mà chỉ bỏ vốn xây dựng các cơ sở sản xuất nghề thủ công truyền thống rồi phó mặc cho người sản xuất như hiện tại thì vẫn chưa thể giúp nghề dệt thổ cẩm phát triển. Để tồn tại, một số hợp tác xã thổ cẩm đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch phục hưng nghề dệt thổ cẩm bằng cách kết hợp ngành nghề truyền thống này với hoạt động du lịch văn hóa tại địa phương.
Để bảo tồn và phát triển dệt thổ cẩm của các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên cần phải có một chính sách đồng bộ, phù hợp thì mới có thể phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống trước nguy cơ mai một, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng và vùng dân tộc thiểu số nói chung. Theo những người tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm thì để khôi phục và phát triển được nghề truyền thống này trước nguy cơ mai một, cần phải có chính sách từ cấp chính quyền, các tỉnh cần khảo sát, điều tra, tổ chức, vận động, tạo nguồn lực mở các lớp dạy thổ cẩm.
Các tỉnh cần phối hợp với các cơ quan liên quan mở các nhóm tổ hợp tác, tổ liên kết nhằm tạo cho chị em người dân tộc thiểu số cùng nhau sản xuất ra sản phẩm thổ cẩm, để giới thiệu bạn bè trong và ngoài địa phương. Đây vừa là sản phẩm du lịch thu hút đầu tư, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình. Trong đó, đặc biệt cần phải xây dựng các làng nghề thổ cẩm thành các điểm đến tham quan cho khách du lịch. Có nghĩa là phải coi nghề dệt thổ cẩm là một sản phẩm du lịch, lấy việc phục vụ du khách là chủ yếu. Từ việc thu hút du khách tham quan đến việc tiêu thụ các sản phẩm văn hóa là khoảng cách gần có thể thực hiện được. Thế nhưng, không phải buôn làng nào cũng có thể trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách nếu không có tiềm năng du lịch. Do đó, cần có thêm sự phối hợp thống nhất giữa nhiều ban, ngành để tìm được một tiếng nói chung nhằm giữ nghề dệt khỏi mai một.
Thực tế hiện nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cũng đã gắn kết với phát triển du lịch với sản phẩm nhiều mẫu mã, màu sắc và kiểu dệt khác nhau. Việc gắn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số với du lịch là hướng đi đúng không chỉ góp phần bảo tồn giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Phải phát triển nghề dệt thổ cẩm trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên cần hướng tới gắn sản xuất, tiêu thụ với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và có chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm, gắn làng nghề với những địa danh, địa chỉ văn hóa du lịch. Về lâu dài, việc đầu tư cần dựa trên những đánh giá qua công tác điều tra, sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa của từng dân tộc và từng địa phương có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số.
Quan tâm phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống phục vụ du lịch sẽ không chỉ tạo ra một nguồn thu nhập mới cho người dân làng nghề, mà còn góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy phát triển nghề truyền thống ở các địa phương vùng dân tộc thiểu số bằng việc tạo ra những sản phẩm có hàm lượng, có tính đặc trưng văn hóa cao, đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Thổ cẩm là một phần bản sắc tạo nên giá trị văn hóa đặc trưng của các tộc người thiểu số Tây Nguyên. Việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, góp phần tích cực phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Để nghề dệt thổ cẩm truyền thống phát triển ổn định, rất cần có sự chủ động phối hợp với ngành văn hóa, du lịch trong và ngoài khu vực; sự liên kết chặt chẽ giữa các làng nghề trong từng địa phương, trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên và tìm kiếm các doanh nghiệp chịu đảm nhiệm đầu ra cho sản phẩm…
Ngoài ra, việc thường xuyên tổ chức và duy trì các lễ hội truyền thống ở từng địa phương hoặc khu vực cũng sẽ là cách giới thiệu có hiệu quả và ấn tượng nhất những giá trị, cũng như sự đa dạng của sản phẩm dệt thổ cẩm trong đời sống vốn rất phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên. Như vậy, dù là nghề có từ ngàn đời nhưng hiện nay ở nhiều nơi của khu vực Tây Nguyên, nghề dệt thổ cẩm truyền thống chỉ còn phổ biến trong lớp người cao tuổi và đang có dấu hiệu mai một. Chính vì thế, đây không chỉ là việc thuộc về vai trò của phụ nữ, của những người có tâm huyết mà hơn hết cần phải có sự quan tâm đầu tư, giúp đỡ của các cấp, các ngành hữu quan, để nghề dệt thổ cẩm vừa được lưu giữ, vừa giúp mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống. Chỉ có vậy mới tìm được đầu ra cho sản phẩm, tạo công ăn việc làm ổn định cho những nghệ nhân dệt thổ cẩm, để họ bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần có những phương án cụ thể hơn trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các tộc người thiểu số trên địa bàn, đặc biệt quan tâm đến việc tìm đầu ra cho sản phẩm dệt thổ cẩm.
Nguyễn Duy Dũng – Thạc sĩ, Ủy ban Dân tộc
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.