Sinh sống lâu đời trên vùng đất tỉnh Gia Lai, đồng bào dân tộc Ba-na hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hoá truyền thống đa dạng và phong phú, trong đó phong tục cưới hỏi là một hoạt động truyền thống đặc sắc, phản ánh đậm nét bản sắc văn hoá, tính ngưỡng của người Ba-na. Được xem là có tính nhân văn sâu sắc, tục cưới hỏi của người Ba-na tôn trọng quyền tự do hôn nhân và luôn đề cao hôn nhân chung thủy: một vợ một chồng.
Tự do tìm hiểu và đi đến hôn nhân chung thủy
Trong tục lệ hôn nhân dân tộc Ba-na ở tỉnh Gia Lai, đôi trai gái người Ba-na được tự do tìm hiểu, lựa chọn người mình yêu thương, khi họ đã thật sự thương yêu nhau, quyết định tiến tới hôn nhân, đôi bạn trẻ sẽ về thưa chuyện với gia đình hai bên. Khi được hai gia đình chấp thuận hôn lễ, nhà trai sẽ tìm người mai mối. Ông mối là một người đàn ông am hiểu luật tục, có uy tín với cộng đồng, giỏi ăn nói, có vai trò dẫn dắt điều hành buổi lễ. Theo phong tục, tập quán của người Ba Na, đồng bào tuân thủ chế độ một vợ một chồng, đề cao sự thuỷ chung trong hôn nhân và gia đình. Khi đã thành vợ thành chồng nếu chàng trai bỏ cô gái sẽ phải đền gia đình cô gái một con trâu, một tạ heo và 50 vò rượu cần, ngược lại bên nhà cô gái cũng thế. Trong hôn nhân họ phải nghe lời gia đình, nghe ông mai mối đưa lời thề, khi đã lấy nhau phải yêu thương nhau đến trọn đời. Lấy chồng, các cô gái Ba Na phải chuẩn bị 100 bó củi, gọi là “củi hứa hôn”. Bởi vậy người con gái Ba Na ngay từ khi 14 – 15 tuổi đã tranh thủ lấy củi trước khi về nhà chồng.
Lễ trao vòng
Khi đôi trai gái đã làm lễ trao vòng, họ tuyệt đối không được có quan hệ yêu đương với người khác
Tục cưới hỏi của người Ba- na bắt buộc phải thực hiện hai lễ tục đó là lễ trao vòng và lễ cưới. Lễ trao vòng (lễ cật rêng) có ý nghĩa như lễ đính hôn của người Kinh, sau khi đôi trai gái sẽ về thưa với gia đình hai bên. Được hai bên gia đình ưng thuận chấp nhận hôn lễ, nhà trai sẽ tìm người mai mối tức “pơ ngai tơ roong”, phải là người đàn ông, am hiểu luật tục, giỏi ăn nói, có vai trò dẫn dẳt và điều hành buổi lễ. Ông mối sẽ mời nhà gái đến nhà trai để tiến hành làm lễ trao vòng cho đôi trẻ. Trước sự chứng kiến của hai gia đình, dưới sự hướng dẫn của ông mối, đôi trai gái lần lượt trao vòng cho nhau. Thường thì chàng trai trao cho cô gái chiếc vòng nhôm, đổi lại, cô gái trao cho chàng trai chiếc vòng đồng. Ở tỉnh Kon Tum, tín vật đính hôn của chàng trai Ba Na cho cô gái còn có thêm một chuỗi hạt cườm đeo cổ. Ngoài tín vật đính hôn, đôi trai gái còn có thể tặng cho nhau những kỷ vật do chính tay mình làm ra.
Lễ cưới
Đồng bào Ba Na thường chọn làm lễ cưới vào buổi chiều. Sau khi được ông mối mời, hai bên gia đình tề tựu bên nhà rông
Để tiến hành Lễ cưới, đồng bào Ba Na thường chọn thời gian tổ chức lễ vào buổi chiều, ngày giữa tháng, trước sự chứng kiến của người dân bản làng và gia đình 2 họ. Trong lễ cưới diễn ra nghi thức mời gọi các vị Yàng và tổ tiên về dự và chứng kiến buổi lễ. Chủ lễ đọc lời khấn: “Ôi Yang… trên trời, Yang dưới đất, ông bà tổ tiên, người đã khuất hãy uống rượu ghè, ăn gan heo, gan gà, hôm nay gia đình tổ chức đám cưới cho hai cháu. Yang tốt, Yang thân cùng xem và cho phép hai cháu được lấy nhau, nên vợ nên chồng, gia đình khỏe mạnh, không ốm đau, làm ăn phát đạt…”
Chủ lễ đọc lời khấn mời gọi Yàng và tổ tiên về dự, chứng kiến buổi lễ
Lễ cưới còn diễn ra nghi thức trùm chiếc chiếu cói, té nước, nghi thức đập bầu nước cho người ở dưới chiếu với quan niệm là để cặp đôi khi lấy nhau gia đình sẽ luôn hạnh phúc vui vẻ, mát mẻ như nước rừng. Sau các nghi thức già làng, ông mối sẽ chúc phúc cho đôi bạn trẻ trong lễ cưới khép lại phần lễ. Sau đó là phần vui hội, già làng mời mọi người cùng uống rượu cần chung vui với gia đình, theo trình tự bắt đầu từ gia chủ, phụ nữ được ưu tiên trước rồi đến các thành viên trong gia đình rồi đến khách mời và người dân bạn làng tham dự lễ cưới. Người dân bản làng quây quần ché rượu cần, thức ăn bày lên những chiếc lá Pơ – pang đặt trên những tấm phiên hay chiếc nong to. Cha mẹ cô dâu, chú rể đến từng ché để mời và cám ơn dân làng. Mọi người ăn uống, chuyện trò vui vẻ. Khi rượu uống đã say, chuyện nói đã đủ, dân làng chúc phúc đôi tân hôn và lần lượt ra về kết thúc một nghi lễ quan trọng của gia đình người Ba- na.
Sau phần lễ là phần hội, bên ché rượu cần, người dân buôn làng quây quần bên nhau, múa hát vang những bài ca truyền thống của dân tộc mình
Phong tục cưới hỏi là một hoạt động truyền thống đặc sắc, phản ánh đậm nét bản sắc văn hoá, tính ngưỡng của người Ba-na. Tùy thuộc vào từng vùng hay giai đoạn lịch sử phong tục cưới hỏi của người Ba-na có khác nhau đôi chút. Nhưng phong tục cưới hỏi của người Ba-na cơ bản vẫn giữ nét nguyên sơ, giàu tính nhân văn sâu sắc, góp những sắc mầu lung linh, rực rỡ vào bức tranh văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Tổng hợp