Văn hóa Cồng chiêng- linh hồn của người Tây Nguyên

“Hãy đánh những cái chiêng kêu thanh nhất, những chiêng kêu trầm nhất. Đánh nhè nhẹ cho gió đưa xuống đất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ! Đánh cho tiếng chiêng luồn qua sàn lan đi xa. Đánh cho tiếng chiêng vượt qua mái nhà vọng lên trời. Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến phải ngã xuống đất! Đánh cho ma quỷ mê mải nghe đến quên làm hại con người. Đánh cho chuột sóc quên đào hang, cho rắn nằm ngay đơ, cho thỏ phải giật mình, cho hươu nai đứng nghe quên ăn cỏ, cho tất cả chỉ còn lắng nghe tiếng chiêng của Đam San!”. Đoạn mô tả tiếng cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên trong Sử thi Đam San khiến ta liên tưởng đến ngay một thứ âm thanh vang vọng, huyền bí và đầy uy lực giữa nơi rừng sâu núi thiêng. Đó chính là thứ âm thanh đã gắn bó lâu đời với người dân Tây Nguyên, thứ âm thanh đã làm nên một nét văn hóa đặc trưng không thể lẫn vào đâu được: Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

 

Lich sử hình thành từ rất lâu đời

Theo các nhà nghiên cứu, cồng chiêng có một lịch sử lâu đời trên đất nước Việt Nam.  Các nghiên cứu còn cho rằng cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá. Trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá: cồng đá, chiêng đá… tre, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng… Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, biểu hiện của tín ngưỡng – là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên…Dần về sau, tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu… đều phải có tiếng cồng, tiếng chiêng. Đây không chỉ là một loại hình nghệ thuật âm nhạc mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh và xã hội của đồng bào dân tộc nơi đây.  Năm 2005, Không gian văn hóa cồng chiên Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, khẳng định giá trị đặc biệt và tầm quan trọng của nó trong kho tàng văn hóa thế giới.

 

Đặc điểm của Cồng và Chiêng

Cồng, chiêng được làm từ hợp kim đồng, có khi pha vàng, bạc hoặc đồng đen, có hình dạng và kích thước khác nhau. Cồng thường có núm ở giữa, tạo ra âm thanh trầm và vang xa, trong khi chiên không có núm và âm thanh phát ra nhẹ hơn. Nhạc cụ này có nhiều cỡ, đường kính từ 20 đến 50-60cm, loại cực đại tới 90-120cm. Cồng chiêng có thể được dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, bộ từ 2 đến 12 hoặc 13 chiếc, thậm chí có nơi tới 18-20 chiếc. Trong một bộ chiêng, chiêng mẹ (chiêng cái) là quan trọng nhất. Cồng chiêng có thể được gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Có dân tộc còn áp dụng kỹ thuật chặn tiếng bằng tay trái hoặc tạo giai điệu trên một chiếc chiêng… Âm thanh của cồng chiên mang tính hài hòa, phong phú, có khả năng diễn tả nhiều cung bậc cảm xúc từ vui mừng, phấn khởi đến nghiêm trang, linh thiêng.

Văn hóa Cồng chiêng- linh hồn của người Tây Nguyên

Đến với Tây Nguyên, ai cũng muốn được thưởng thức những âm thanh trầm bổng, vang vọng của cồng chiêng giữa núi rừng đại ngàn. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có sức hấp dẫn đặc biệt bởi sự đa dạng độc đáo của kỹ thuật diễn tấu, mà còn là tiếng nói tâm linh, là biểu tượng cho cuộc sống của con người nơi đây.

.Theo quan niệm của người Tây Nguyên, đằng sau mỗi chiếc cồng, chiêng đều ẩn chứa một vị thần. Cồng chiêng được xem là ngôn ngữ giao tiếp hàng đầu của con người với thần thánh và thế giới siêu nhiên. Người Giarai, khi đứa trẻ được sinh ra, trong lễ hội “thổi tai”, tiếng chiêng sẽ cấp cho đứa bé những tín hiệu đầu tiên của văn hoá dân tộc. Cồng chiên thường được sử dụng trong các nghi lễ cúng tế, lễ hội, đám cưới, đám tang và các dịp quan trọng khác của cộng đồng. Sử dụng khi làm đám cưới, làm nhà mới, làm rẫy, đưa người chết ra mồ và cả khi bỏ nhà mồ. Chiêng đem cái thiêng vào cuộc sống, khiến con người cảm thấy được sống trong một không gian thanh cao, tâm linh, huyền ảo.

Trải qua năm tháng, cồng chiêng đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, đầy sức quyến rũ và hấp dẫn của vùng đất Tây Nguyên. Những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng, đã sống mãi cùng đất trời và con người Tây Nguyên. Âm thanh của cồng chiêng như xoa dịu nỗi buồn, sự đớn đau, nỗi cô đơn trống vắng hay tủi hờn trong bất hạnh. Người giàu sang, kẻ nghèo hèn, già trẻ, gái trai như bị thôi miên, khao khát tìm về cội nguồn, gắn kết trong vũ điệu cồng chiêng say lòng người. Do đó, tiếng cồng chiêng còn có ý nghĩa rất lớn trong việc gắn kết cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Những lễ hội cồng chiêng đặc sắc của dân tộc Tây Nguyên đã và đang thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đến với nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã trở thành một điểm nhấn đặc biệt về văn hóa, du lịch, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Văn hóa cồng chiên Tây Nguyên không chỉ là một di sản văn hóa quý báu của Việt Nam mà còn là biểu tượng cho sự đa dạng văn hóa và sự giàu có của các truyền thống dân tộc thiểu số. Trong lễ công bố Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, ông Koichiro Matsuura – Tổng Giám đốc UNESCO đã phát biểu: “Tôi đã được thưởng thức loại hình âm nhạc cồng chiêng rất riêng của Việt Nam và cũng được thấy những nhạc cụ rất độc đáo trong dàn nhạc cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên. Đây là nét văn hóa truyền thống rất riêng của Việt Nam, rất tuyệt vời và đặc sắc. Việc công nhân Danh hiệu Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đối với Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên là rất xứng đáng”.

Nguồn: Tổng hợp

Bài viết liên quan